Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh vừa có buổi làm việc với các trường quốc tế tại thành phố về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học.
Trong đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý yếu tố con người đảm bảo được tập huấn, cập nhật và có đủ kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường học có tổ chức bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp cho học sinh.
Theo các trường, hiện nay, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở trường học cần chú trọng từ khâu kiểm tra nguyên liệu đầu vào, đến sơ chế, chế biến, cơ sở vật chất phải đảm bảo quy tắc 1 chiều bếp sống và chín.
“Tiếp nhận phải kiểm tra thực phẩm có đảm bảo tiêu chuẩn không, bếp ăn 1 chiều nhưng quá trình chế biến phải đảm bảo an toàn, khi thức ăn nấu ra phải đảm bảo chất lượng”, ông Bùi Ngọc Âu, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Anglophone, huyện Nhà Bè TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Làm việc với đại diện của hơn 20 trường có vốn đầu tư nước ngoài, Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh lưu ý, phải đặc biệt chú trọng công tác phòng chống rủi ro an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, có 3 yếu tố quan trọng đảm bảo kiểm soát an toàn thực phẩm ở trường học:
1 – Kiểm soát chặt nguyên liệu đầu vào;
2 – Con người: Được đào tạo vệ sinh an toàn thực phẩm;
3 – Cơ sở vật chất đảm bảo, bếp ăn 1 chiều.
Trong đó, con người là yếu tố quan trọng nhất, là nơi “gác cửa” vệ sinh an toàn thực phẩm tại trường học.
“Nếu thực phẩm đầu vào có vấn đề, cô phải là người chịu trách nhiệm trước nhà trường, lập biên bản báo y tế nhà trường, gọi đến nhà cung cấp và phản hồi, trả lại hàng, không được nhập nấu cho học trò”, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông, quận Bình Tân, TP. HỒ Chí Minh, cho hay.
“Cần đơn vị có chuyên môn, kinh nghiệm để kiểm tra giám sát để nhà trường thực hiện tốt hơn, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm tốt của trường này sang trường nọ, có thể họ quản lý đơn giản hơn, hiệu quả để các trường cùng nâng cao hiệu quả của mình”, chị Bùi Thị Quỳnh Mai, phụ huynh học sinh, nói.
“Chúng tôi luôn sẵn sàng lực lượng để thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, nhận thông tin về các vi phạm thiếu sót, hay các trường cần sự trợ giúp như thế nào thì chúng tôi luôn luôn sẵn sàng”, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, thông tin.
TP Hồ Chí Minh hiện có 1.712 trường học, trong đó có 2.300 bếp ăn trường học. Đợt kiểm tra thanh tra đầu năm học này mới phát hiện 2 bếp ăn trường học vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm và đã xử phạt, yêu cầu khắc phục.
Từ đầu năm 2023, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra, giám sát tại các bếp ăn, trong đó tăng cường tại các trường quốc tế.
Nguồn: https://vtv.vn/xa-hoi/yeu-cau-truong-hoc-dam-bao-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-20221203195524001.htm