Khó kiểm soát chợ tự phát vây quanh chợ đầu mối

Các điểm bán tự phát ăn theo chợ gây nên nhiều hệ lụy liên quan đến an ninh trật tự, gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tạo nên sự cạnh tranh không công bằng đối với các tiểu thương trong chợ đầu mối.

Kiểm tra nguồn gốc trái cây nhập khẩu tại Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức
Kiểm tra nguồn gốc trái cây nhập khẩu tại Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức

Rạng sáng 29-12, Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) do bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM làm trưởng đoàn đã kiểm tra và khảo sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại một số chợ đầu mối trên địa bàn.

Tại Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, đoàn kiểm tra đã làm việc và kiểm tra các hóa đơn, chứng từ về xuất xứ, nguồn gốc rau, củ, quả đang được bày bán.

Theo ông Nguyễn Tấn Quang Vinh, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Quản lý và Kinh doanh Chợ nông sản Thủ Đức, Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức có quy mô 3 nhà lồng với 1.424 ô vựa. Tổng lượng hàng về chợ ước tính trong năm 2022 là 920.918 tấn. Bình quân mỗi ngày có 2.523 tấn rau, trái cây và hoa tươi nhập chợ, giảm 810 tấn/ngày (24%) so với bình quân năm 2021.

Thời gian qua, đơn vị quản lý thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương đăng ký kinh doanh trong chợ, trong đó quan trọng nhất là các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm. Tuy nhiên, trong năm 2022 vẫn có 17 trường hợp vi phạm quy định do không ghi sổ nguồn gốc hàng hóa, không cập nhật thông tin niêm yết giá hàng hóa. Đơn vị đã nhắc nhở, xử phạt các hộ kinh doanh này.

Đoàn công tác kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trái cây nhập khẩu tại Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức
Đoàn công tác kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trái cây nhập khẩu tại Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức

“Khó khăn lớn nhất của Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức là lâu nay một số thương nhân không nhập hàng vào các ô vựa mà nhập về các hộ kinh doanh xung quanh chợ (bên ngoài phạm vi kiểm soát của chợ) để tránh việc kiểm soát của công ty đối với sơ chế tại nguồn. Do chợ có không gian mở sát với khu dân cư, có nhiều ngõ ra vào nên việc giám sát không thể đạt hiệu quả cao”, ông Nguyễn Tấn Quang Vinh thông tin và cho biết, với các trường hợp hàng hóa chưa sơ chế này rất khó xử lý vì họ sẽ chia nhỏ lượng hàng để chuyển vào ô vựa của mình.

Còn tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Mônông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ cho biết, lượng hàng hoá nhập chợ bình quân của năm 2022 đạt khoảng 2.320 tấn/đêm. Hàng hoá nhập chợ có nguồn gốc xuất xứ trong nước chiếm khoảng 95%, Trung Quốc khoảng 4%, các nước khác khoảng 1%.

Mặc dù công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chợ được kiểm soát chặt, nhưng xung quanh khu vực bên ngoài chợ xuất hiện ngày càng nhiều điểm kinh doanh tự phát, gây bức xúc lớn cho tiểu thương trong chợ.

Nhân viên Đội Quản lý ATTP số 9 kiểm tra nguồn gốc thịt heo
Nhân viên Đội Quản lý ATTP số 9 kiểm tra nguồn gốc thịt heo

“Các điểm bán tự phát ăn theo chợ gây nên nhiều hệ lụy liên quan đến an ninh trật tự, gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tạo nên sự cạnh tranh không công bằng đối với các tiểu thương trong chợ”, ông Lê Văn Tiển phản ánh.

Thực tế kiểm tra, bà Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận, vấn đề chợ tự phát “ăn theo” các chợ đầu mối tồn tại từ lâu và nằm ngoài tầm kiểm soát của các đơn vị quản lý chợ. Thực trạng này càng nở rộ từ khi dịch Covid-19 bùng phát do thời điểm đó, việc buôn bán thực phẩm tự phát được nới lỏng để đảm bảo cung ứng cho người dân. Đến nay, thực trạng này vẫn tiếp diễn và kéo theo nhiều hệ lụy.

“Vấn đề buôn bán tự phát xung quanh chợ đầu mối tăng cao và hiện vẫn chưa kiểm soát được. Điều này là không công bằng cho các tiểu thương buôn bán hợp pháp trong chợ”, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh đồng thời cho rằng cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới; kêu gọi người dân và tiểu thương chợ truyền thống đến mua hàng trực tiếp trong chợ đầu mối, có hoá đơn rõ ràng để đảm bảo an toàn.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, hiện Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đang đề xuất UBND TPHCM yêu cầu các địa phương phối hợp triển khai giải quyết những tồn tại bất cập xung quanh chợ đầu mối. Bên cạnh đó, thời gian tới, Ban cũng sẽ đẩy mạnh xử lý các điểm buôn bán ăn theo chợ đầu mối nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng.

THÀNH SƠN

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/kho-kiem-soat-cho-tu-phat-vay-quanh-cho-dau-moi-post673859.html

Related Posts

tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm cuối năm

Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm cuối năm

Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, tạo điều kiện để các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc trà trộn vào…

kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm

Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm: Bảo vệ sức khỏe dịp cuối năm

Tăng nhu cầu thực phẩm cuối năm: Nguy cơ và giải pháp an toàn thực phẩm Những tháng cuối năm luôn là thời điểm nhu cầu tiêu…

Quảng Ninh tăng cường giải pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong bếp ăn trường học

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn trường học là nhiệm vụ trọng tâm tại Quảng Ninh. Đây không chỉ là vấn…

Hà Nội lấy ý kiến người dân về việc tăng gấp đôi mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm

Dự thảo Nghị quyết tăng cường mức xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm HĐND TP Hà Nội đang tiến hành lấy ý kiến nhân dân…

kinh doanh tự phát và hàng rong mất an toàn thực phẩm

TP Hồ Chí Minh: Tập trung giải quyết kinh doanh tự phát và hàng rong mất an toàn thực phẩm

Với đặc thù di chuyển khắp nơi, không có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, việc kiểm soát an toàn thực phẩm…

Kiến nghị triển khai nhiều giải pháp để xử lý vấn nạn thực phẩm bẩn

Bộ Y tế trả lời cử tri kiến nghị triển khai nhiều giải pháp để xử lý vấn nạn thực phẩm bẩn và thông tin các kết…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *